THỦ TỤC YÊU CẦU TÒA ÁN TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI ĐÃ CHẾT
Câu hỏi: Thưa Luật sư, cha tôi chung sống như vợ chồng với mẹ tôi từ năm 1963 và có 02 con chung là tôi và em tôi. Tuy nhiên đến năm 1980 cho đến nay thì cha tôi bỏ đi, gia đình tôi không biết cha tôi đi đâu và cha tôi cũng không có bất kỳ tin tức gì về gia đình. Gia đình tôi đã tìm kiếm bằng mọi cách nhưng vẫn không có tin tức gì về cha tôi. Gia đình tôi muốn làm giấy chứng tử cho cha tôi thì tôi phải làm sao? Thủ tục cần giấy tờ gì? Xin cảm ơn.
Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Tran Hanh & Partners, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
1. Điều kiện để tuyên bố một người đã chết
Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự 2015 thì điều kiện để tuyên bố một người đã chết là:
“a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.”
Vì vậy, thời hạn biệt tích 05 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực là cha bạn còn sống được tính bắt đầu từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
2. Người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã chết
Theo quy định tại khoản 1 Điều 391 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (“BLTTDS 2015”): “Người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết”
Và theo quy định tại khoản 5 Điều 68 BLTTDS 2015: “Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”.
Như vậy, người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người đã chết là người có quyền, nghĩa vụ dân sự hoặc hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động liên quan đến sự kiện người được yêu cầu tuyên bố chết.
Thông thường thì bố, mẹ, vợ/ chồng, con, anh, chị,… thường là người yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết.
3. Tòa án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 35 BLTTDS 2015, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết là yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.
Trường hợp có đương sự (người yêu cầu và người có quyền lợi , nghĩa vụ liên quan) hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo điểm c khoản 1 Điều 37 BLTTDS 2015.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 39 BLTTDS 2015: “Tòa án nơi người bị yêu cầu thông báo tìm kiếm vắng mặt tại nơi cư trú, bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc là đã chết có nơi cư trú cuối cùng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó, yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết”.
Như vậy, Tòa án nơi người bị yêu cầu tuyên bố đã chết có nơi cư trú cuối cùng trước khi người đó biệt tích hoặc trước khi không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết là Tòa án có thẩm quyền giải quyết nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.
Và tại điểm a Khoản 2 Điều 40 BLTTDS 2015, thì Tòa án nơi cư trú, làm việc, có trụ sở của người yêu cầu hoặc nơi có tài sản của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc đã chết cũng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết nếu người yêu cầu lựa chọn.
4. Thủ tục tuyên bố một người là đã chết
Người yêu cầu gửi đơn yêu cầu tuyên bố một người đã chết lên Tòa án có thẩm quyền, kèm theo đó là gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết đảm bảo các điều kiện đã nêu trên.
Sau khi người yêu cầu gửi đơn và tài liệu kèm theo đến Tòa án sẽ thực hiện thủ tục nhận và xử lý đơn. Trường hợp người yêu cầu nộp đơn trực tiếp tại Tòa án thì Tòa án ghi ngày , tháng năm vào sổ nhận đơn và cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người yêu cầu ngày yêu cầu được xác định là ngày nộp đơn.
Trường hợp người yêu cầu gửi đơn qua bưu điện , thì Tòa án ghi ngày, tháng năm người yêu cầu gửi đơn theo dấu bưu điện nơi gửi Ngày yêu cầu được xác định là ngày có đầu bưu điện nơi của.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng năm gửi theo đấu bưu đến trên phong bì thì ngày yêu cầu là ngày Tòa án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến và Tòa án phải ra thông báo đã nhận được đơn cho người yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.
Khi nhận được đơn yêu cầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu Thẩm phán phải kiểm tra đơn yêu cầu về nội dung theo khoản 2 Điều 362 BLTTDS 2015. Kiểm tra các nội dung này thực chất là kiểm tra quyền yêu cầu năng lực hành vi tố tụng dân sự của người yêu cầu và các điều kiện thụ lý khác như lý do, căn cứ mục đích yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích hoặc là đã chết . Trường hợp đơn yêu cầu chưa ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 362 của BLTTDS 2015 thì Thẩm phán yêu cầu người yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu Tòa án sẽ tiếp tục việc thụ lý đơn yêu cầu giải quyết việc đến sự nếu người yêu cầu đã sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu theo đúng yêu cầu của Tòa án.
Ngược lại, nếu người yêu cầu không sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ áp dụng điểm d khoản 1 Điều 364 BLTTDS 2015 trả lại đơn yêu cầu và tài liệu chứng cứ kèm theo cho người yêu cầu. Ngoài ra, Điều 364 BLTTDS 2015 còn quy định Tòa án trả lại đơn yêu cầu trong sáu trường hợp khác.
Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thông tin về người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết. Thông báo này có các nội dung chính như ngày, tháng, năm sinh ra thông báo; tên Tòa án ra thông báo; số và ngày, tháng, năm ra quyết định thông báo tìm kiếm; tên, địa chỉ của người yêu cầu tòa án tuyên bố ; họ tên, ngày tháng năm sinh của người cần tìm kiếm và địa chỉ cư trú của người đó trước khi biệt tích,.. Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm thì thông báo này phải được đăng trên một trong các báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp, cổng thông tin điện tử của Tòa án UBND cấp tỉnh nếu có,…
Trong thời hạn thông báo, nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu hoặc người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trở về và thông báo cho Tòa án biết thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu. Phiên họp xét đơn yêu cầu có thành phần người tham gia theo quy định tại khoản 1 Điều 367 BLTTDS 2015. Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định tại Điều 393 BLTTDS 2015.
Sau khi có Quyết định của Tòa án về việc tuyên bố một người là đã chết thì bạn có thể liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi cư trú cuối cùng của cha bạn để làm thủ tục đăng ký khai tử cho cha bạn theo quy định của pháp luật.